Xét tuyển học bạ vào đại học: Chưa tin cậy về kết quả học tập!
Mặc dù có nhiều tiêu chí đưa ra để chọn lọc thí sinh có năng lực vào đại học, cao đẳng qua hình thức xét tuyển học bạ của nhiều trường đại học, cao đẳng nhưng nhiều ý kiến lo lắng và chưa thực sự tin cậy vào kết quả xét tuyển này.
Xem tiếp >> Xét tuyển bằng học bạ: Rộng cửa vào đại học, cao đẳng
Lo ngại nảy sinh trường hợp chạy học bạ “đẹp”
Sau khi báo Dân trí đăng bài “Xét tuyển bằng học bạ: Rộng cửa vào đại học, cao đẳng”, nhiều bạn đọc gửi ý kiến bình luận cho rằng, thực hiện xét tuyển bằng học bạ là mở đường cho việc chạy điểm, chạy học bạ “đẹp”. Nếu đề án này đi vào thực hiện thì tệ nạn giáo dục ngày càng nhiều hơn, không đánh giá đúng thực chất chất lượng giáo dục; càng xét tuyển học bạ, chất lượng sinh viên càng kém… Độc giả Phạm Thiên Phú cảnh báo: “Một hai năm đầu sẽ là thời kỳ phát đạt của hầu hết các trường nhưng vài năm sau sẽ là thảm họa đối với các trường. Trường nào chất lượng thì sẽ tồn tại, không thì sẽ phá sản. Chất lượng được đánh giá qua số lượng sinh viên ra trường có việc làm. Hãy để các trường tự ra đề thi, tự cấp bằng. Quy luật sẽ đào thải nếu trường nào không theo kịp”. Trước ý kiến lo ngại của độc giả, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng chia sẻ, quy định cho phép các trường đại học có quyền được tuyển sinh và đưa ra tiêu chí xét tuyển học bạ là quyền của trường. Nếu nói đến việc tiêu cực thì phải nói đến việc chống tiêu cực chung chứ đừng bảo vì học bạ không chính xác mà các trường đại học không nên tuyển. Chúng ta nên tách vấn đề này ra 2 khía cạnh, thứ nhất, nếu nói học bạ tiêu cực không cho các trường xét tuyển thí sinh cũng không được. Học bạ là nhà nước quy định; thứ hai, các trường đại học, cao đẳng xét tuyển học bạ thì các Sở, các ngành, các trường cần giám sát việc học bạ này như thế nào. Ví dụ: Sở GD-ĐT hiện nay nên quản lý điểm tới từng học kỳ chứ không phải thanh tra giữa học bạ với quản lý điểm xem có đúng không. Cứ làm rồi mới rút ra được kinh nghiệm.E dè thử nghiệm!
Nhìn tổng thể trong số hơn 300 trường đại học, cao đẳng công bố đề án tuyển sinh, trong đó có những trường thực hiện 2 phương án xét tuyển, mà có phương án xét tuyển bằng học bạ chủ yếu thuộc về đại học, cao đẳng vùng hàng năm khó tuyển sinh và trường ngoài công lập… chứ không có các trường đại học tốp đầu và rất ít trường tốp giữa tuyển sinh theo phương án này. Nếu có chăng chỉ có Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thực hiện xét tuyển sơ loại bằng học bạ (thực hiện từ năm 2014) nhưng là để trường loại những thí sinh yếu kém ngay từ trước khi nộp hồ sơ để tránh lãng phí. Tuyển sinh năm 2015, trường cũng thực hiện phương án xét tuyển học bạ và bổ sung thêm điều kiện sơ loại khắt khe hơn là thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc tổ hợp 3 môn thi xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20 điểm trở lên. Trường đại học Điện lực năm nay cũng có hình thức xét tuyển bằng học bạ nhưng trường chỉ dành 10% chỉ tiêu để xét. Cụ thể, trường lấy kết quả học tập trong ba năm học THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Theo đó, điểm trung bình chung năm lớp 10, lớp 11 và lớp 12 (hoặc học kỳ I lớp 12 nếu thí sinh tiến hành đăng ký xét tuyển trước khi kết thúc năm học) có nhân hệ số các môn quy định đối với từng ngành học của thí sinh đạt 8,0 trở lên đối với trình độ Đại học và đạt 6,5 đối với trình độ Cao đẳng (ĐTB TC1). Xét điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh. Điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT theo môn thi của thí sinh đạt 7,5 trở lên đối với trình độ Đại học và đạt 6,0 đối với trình độ Cao đẳng (ĐTB TC2). Số lượng môn thi tốt nghiệp hàng năm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Bùi Đức Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo nhà trường cho biết, với hình thức xét tuyển này, nhà trường muốn tuyển chọn thử nghiệm, trong đó tính tiêu chí điểm trung bình chung 3 năm THPT chỉ chiếm tỉ trọng 40%, còn tiêu chí điểm thi tốt nghiệp chiếm tỉ trọng 60%. Xét những thí sinh có điểm trung bình xét tuyển (ĐTB XT) đạt theo nguyên tắc từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu xét tuyển của từng ngành đào tạo.Chênh lệch kết quả học tập giữa các vùng miền
Mặc dù chỉ dành 10% chỉ tiêu để xét tuyển học bạ nhưng ông Bùi Đức Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực vẫn băn khoăn về chất lượng. Ông cho rằng, mặt bằng kết quả học tập của thí sinh sẽ không đồng đều giữa các vùng miền. Thông thường điểm học bạ của học sinh trường chuyên, chất lượng cao sẽ cao hơn, đẹp hơn với học bạ những học sinh ở trường có chất lượng thấp nhưng chúng tôi mong muốn và tin sẽ không có chuyện sửa học bạ, như vậy mới yên tâm tuyển được thí sinh. Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho rằng: “Với học bạ mà ở các trường phổ thông đánh giá nghiêm túc sẽ tốt. Tuy nhiên, nếu xét học bạ trong cùng 1 trường THPT thì sẽ khách quan tin tưởng vào chất lượng nhưng đây lại xét trên diện tổng thể cả nước thì chất lượng sẽ khác vì chất lượng của các trường THPT khác nhau, thầy cô giáo khác nhau. Chính vì vậy, chúng tôi chưa tin tưởng lắm nên chưa dùng kết quả này”. Tuyển sinh năm 2015, với các quy định mới mà Bộ GD-ĐT mở ra cho các trường, mở ra cho thí sinh có thêm cơ hội vào đại học. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: “Tuyển sinh năm nay, thí sinh đăng kí dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ sau khi đã có kết quả thi. Việc đăng ký dự tuyển sau khi đã có kết quả thi sẽ giúp các em tránh được rủi ro là đạt điểm cao nhưng vẫn có thể trượt ĐH như những năm trước đây, các em lựa chọn được những trường ĐH, CĐ phù hợp với năng lực của mình, đáp ứng tốt hơn tính đa dạng về ngành nghề của giáo dục đại học. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để các trường phát triển. Các trường muốn tuyển được thí sinh có chất lượng vào học phải xây dựng thương hiệu thông qua chất lượng đào tạo”. Việc các trường đại học, cao đẳng mở rộng đầu vào cho các thí sinh nhưng không phải là tất cả thí sinh nào đủ điều kiện cũng vào được đại học, cao đẳng. Bởi, hàng năm, Bộ GD-ĐT giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường dựa vào cơ sở vật chất và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường. Các trường chỉ được tuyển đủ chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT giao chứ không được phép tuyển vượt. Trong khi đó, hàng năm, số lượng chỉ tiêu vào đại học, cao đẳng chỉ bằng 1/3 số lượng thí sinh cả nước đăng ký dự thi. Do đó, cánh cửa vào đại học, cao đẳng không rộng như nhiều người nghĩ.Theo dantri.com.vn