[nghenghiep.edu.vn] Xin chia sẻ lại bài viết phỏng vấn của báo Tiin.vn với CEO Nguyễn Minh Ngọc về chủ đề Chỉ dùng kiến thức ở đại học bước ra đời, thất bại là đương nhiên! + Đứng dậy đi, những thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp Bài viết mang những lời lẽ cay độc nhưng đã chạm tới từng ngõ ngách trong chính bản thân các sinh viên vừa ra trường. Vừa qua, cộng đồng mạng nổi sóng với bài viết nói về 178.000 Cử nhân, Thạc sỹ ra trường thất nghiệp của CEO Nguyễn Minh Ngọc (sinh năm 1990, quê ở Hà Nam, hiện là Giám đốc Gemslight Company Ltd). Nhiều người ngay lập tức phản pháo rằng anh nói với giọng trịch thượng, bề trên, có phần cay độc, phù phiếm. Nhưng bên cạnh đó là một con số không nhỏ những ý kiến ủng hộ của bạn trẻ Việt Nam khi anh đã nói trúng những điều mà họ đang muốn nghe. Tác giả bài viết khích lệ cử nhân thất nghiệp ‘Thiếu thầy thiếu cả thợ’

CEO Nguyễn Minh Ngọc

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Minh Ngọc xung quanh câu chuyện này: Chào anh, bài viết nói về 178.000 Cử nhân, Thạc sỹ thất nghiệp được anh viết ra trong hoàn cảnh nào? Vào thứ 5 tuần trước, mình vô tình đọc được 1 cái tin nói về 178.000 Cử nhân, Thạc sỹ thất nghiệp. Vì thế mình đã cảm thấy có gì đó tiếc nuối và khó chịu. Mình nghĩ rằng mình muốn viết một cái gì đó. Tối hôm đó, khoảng 1h15, mình ngồi viết bài đó như các bạn thấy. Ngoài để nói lên ý kiến của mình thì mình cũng muốn tạo ra một diễn đàn để các bạn trẻ cùng bàn luận về chính vấn đề của các bạn. Sau khi bài viết được đăng tải thì anh nhận được các phản hồi như thế nào? Bài viết đã nhận được khá nhiều luồng ý kiến khác nhau, trong đó đến 80-90% là các ý kiến ủng hộ từ những bạn trẻ mà bản thân các bạn cũng đã có những nỗ lực rất nhiều trong hoàn cảnh đó. Còn lại 10-15% là các ý kiến phản đối cho rằng mình chỉ nêu lên 1 vấn đề, 1 góc của vấn đề. Mình chỉ nêu nốt cái vấn đề còn lại thôi, còn các vấn đề khác liên quan mọi người đã biết như xã hội, giáo dục, phương pháp giảng dạy… mình không bàn đến nữa. Theo anh, nguyên nhân từ đâu ra một con số 178.000 này, có phải hoàn toàn do chính các Cử nhân, Thạc sỹ này? Nếu xoáy sâu vào vấn đề này thì lỗi là do chính bản thân các bạn từ lúc còn đang học đại học. Chính vì các bạn không nỗ lực hết mình trong quá trình học, thêm vào đó các bạn quá lệ thuộc vào kiến thức từ trường đại học mà quên mất rằng còn quá nhiều kiến thức khác cần phải học. Ngày nay, việc học trở nên quá dễ dàng, có nhiều cách để học, để tiếp cận tri thức, vì thế yêu cầu của xã hội cũng phải cao lên. Nếu bạn không đáp ứng được yêu cầu của xã hội thì bạn sẽ bị thụt lùi, đó là điều rất tiếc. Anh nghĩ gì về việc, nhiều người đang sử dụng câu nói “Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ, cuối cùng là trí tuệ” để biện minh cho việc thất nghiệp? Đây là vấn đề của xã hội, không phải vấn đề của các bạn. Các bạn không thể thay đổi được xã hội thì đừng cố để thay đổi. Thay vào đó, bạn hãy đi vào vấn để phải thay đổi bản thân của chính các bạn. Chứ những điều kia không mang lại tác dụng gì cho cuộc sống của bạn cả. Theo anh, phải chăng bây giờ học đại học quá dễ dàng nên hình thành một tâm lý học chưa thực sự nghiêm túc của các bạn trẻ? Nếu nói về thái độ thì cũng tùy vào từng trường, không có mẫu số chung cho tất cả được. Ở trường nào cũng có những nhóm sinh viên nổi trội và các thành phần kém. Vì thế không thế nói trường nào hay, trường nào dở. Tuy nhiên, mình thấy có một điểm chung đó là các bạn quá trông chờ vào các kiến thức trong trường đại học và cho rằng đó là đủ, nhưng thực chất không thể đủ. Mình ước tính kiến thức từ trường học chỉ chiếm khoảng 20% tổng khối lượng kiến thức mà các bạn cần biết. Vì thế, khi bạn mang 20% bước ra đời thì thất bại là điều đương nhiên. Theo anh, các Cử nhân, Thạc sỹ cần phải làm gì ngay sau khi tốt nghiệp? Tại sao lại là ngay sau khi tốt nghiệp? Mình nghĩ rằng các bạn ấy cần phải tích lũy kiến thức từ ngay trong trường Đại học. Không thể đợi sau khi ra khỏi trường mới bắt đầu được. Các bạn cũng thừa biết rằng số lượng kiến thức đó là không đủ nhưng các bạn lại không làm. Các bạn cần nhớ rằng, khi các bạn ra trường, giá trị của các bạn chưa đủ cung thì rất khó, người ta chỉ trả cho bạn 10 triệu khi bạn tạo ra giá trị 20 triệu. Nếu bạn chưa thể làm được điều đó thì hãy tìm cách tạo ra đủ cung cho người ta chứ đừng mong có thể nhận lại trước được. Và để làm được điều đó thì chẳng có cách nào ngoài học và làm cả. Học để chúng ta làm cho đỡ sai, còn làm để chúng ta hiểu và gia tăng kĩ năng. Ngoài ra, các bạn cũng cần bổ trợ thêm về quy luật giá trị. Đó là khi 2 bên cùng thỏa mãn thì thương vụ mới được hoàn thành. Vì thế, khi đi xin việc các bạn cần phải cân nhắc về được mất cho cả đôi bên. Bạn cần phải biết rằng, nhà tuyển dụng không tuyển bạn vì bạn mà họ tuyển bạn vì họ. Họ thấy có lợi thì họ tuyển. Vì thế, thay vì tìm cách làm thế nào để họ tuyển dụng thì hãy tìm cách cho họ thấy rằng bạn có lợi cho họ. Tác giả bài viết khích lệ cử nhân thất nghiệp ‘Thiếu thầy thiếu cả thợ’ Đứng ở vị trí tuyển dụng, anh nghĩ đâu là điều thiếu hụt nhất ở các Cử nhân, Thạc sỹ vừa ra trường? Nếu các bạn Cử nhân, Thạc sỹ chỉ mới ra trường và chưa từng có kỹ năng từng trải gì thì rõ ràng kỹ năng của các bạn rất kém. Đứng ở vị trí tuyển dụng, mình nghĩ rằng các bạn vẫn còn thiếu một khả năng đó là khả năng truyền tải cho người khác cái mà bạn có. Họ chỉ được học để biết điều đó, nhưng họ chưa học được vế thứ hai là học cách truyền tải nó đi. Bạn có giá trị bản thân cao thì bạn cũng phải biết cách để truyền tải cho người khác biết về giá trị của mình. Vì thế, điều các bạn thiết hụt nhất đó chính là kỹ năng truyền tải giá trị bản thân mình. Anh có nghĩ rằng, bởi vì thất nghiệp nên một số Cử nhân mới học tiếp lên cao học hay không? Về điều này thì mỗi nhà mỗi cảnh, chúng ta cũng không cần phải bàn quá nhiều, chúng ta không thể gán ghép tất cả vào một lí do đó được. Mặc dù thực chất vẫn có những trường hợp đó xảy ra. Đó là vấn đề thuộc về sĩ diện của các bạn, nhiều Cử nhân trẻ ra trường không làm được gì thì thôi lại học tiếp lên Thạc sỹ, điều đó là có thật và cũng bình thường thôi. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp nhiều người phải học lên Thạc sỹ vì họ buộc phải làm thế. Chúng ta thừa biết vấn đề ra trường chưa làm được thì học tiếp lên nữa nhưng giải quyết như thế nào thì vẫn xoáy sâu vào phạm trù thể diện của người ta hơi cao. Học xong đại học là tưởng mình đã giỏi, là ông nọ bà kia và mình phải làm những công việc này việc kia. Nhưng thực chất, mình đã nói trong bài viết, học xong đại học mới chỉ là bước bắt đầu, chỉ giúp bạn mới ngoi lên khỏi mặt đất thôi chứ chưa đứng được, chưa là gì cả. Có nhiều Cử nhân, Thạc sỹ nói rằng họ giỏi, họ có năng lực nhưng do kém may mắn nên thành công tạm thời bị trì hoãn? Nói về vấn đề giỏi, nếu mà giỏi thì họ thực sự phải có việc rồi. Nếu như họ chưa có việc thì họ chưa giỏi. Giỏi còn nhiều vấn đề khác. Nếu giỏi thì họ phải truyền tải cho người khác, phải bước qua vòng phỏng vấn, vượt qua thử thách, đó mới là giỏi. Chứ không thể định nghĩa rằng, bạn điểm cao là giỏi thì không đúng. Lại nói thêm về vấn đề này, thực chất các doanh nghiệp vẫn đang thiếu người. Và chúng ta có 178.000 Cử nhân, Thạc sỹ thất nghiệp. Thực ra là do cung không đáp ứng đúng cầu, doanh nghiệp không cầu những cái cung kia nên xảy ra việc lệch nhau như thế. Anh nghĩ gì về việc việc đam mê không nuôi nổi bản thân nên một bộ phận các Cử nhân, Thạc sỹ phải đi làm việc khác hoặc thất nghiệp? Đam mê chắc chắn sẽ nuôi nổi bản thân mình. Vì mọi người không định nghĩa đúng đam mê. Vì đam mê tạo nên hiệu quả rất nhiều lần. Theo luật hấp dẫn thì khi ta trao cái giá trị cho người khác thì tiền tự khắc sẽ về, tiền chỉ là hệ quả của việc của bạn làm. Nếu bạn nói rằng đam mê chưa ra tiền thì đó chưa đạt đến ngưỡng đam mê, đó chỉ là huyễn hoặc, che mắt bản thân mà thôi. Nói đi cũng phải nói lại, theo anh các Cử nhân Thạc sỹ kia đang chịu những bất lợi khách quan gì? Nếu nói về bất lợi khách quan thì họ cũng đang phải chịu những điều không công bằng cho lắm nếu như đặt lên bàn cân. Nhưng khi đi xin việc, các bạn cũng cần cân nhắc nếu như một nơi họ không đề cao những kỹ năng mà thay vào đó là coi trọng mối quan hệ thì đó không phải nơi tiềm năng để cho các bạn phát triển. Là một người trẻ đã có những thành công nhất định, anh có lời khuyên cho các Cử nhân, Thạc sỹ đang thất nghiệp và đặc biệt là các sinh viên đang ngồi trên ghế giảng đường? Đây là cơ hội rất lớn cho các bạn phát triển nếu bạn biết nhìn ra vấn đề. Càng nhiều bất lợi thì sẽ có càng nhiều cơ hội. Thay vì xoáy vào những vấn đề bạn không thể giải quyết được thì hãy xem lại những vấn đề các bạn hoàn toàn có thể xử lý trong tầm tay, đó là do chính bản thân bạn. Bạn ngoi lên trong một bối cảnh khó khăn dễ hơn rất nhiều so với việc bạn nhoi lên trong một bối cảnh thịnh vượng. Mình cũng muốn nói thêm về vấn đề "thừa thầy thiếu thợ" nhưng thực ra đang rất thiếu thầy. Các bạn đừng nghĩ đến việc làm thầy chỉ tay là việc dễ, nếu như ta đang đào tạo thừa thầy thiếu thợ thì các Cử nhân ra trường phải “chỉ ra được vấn đề”, nhưng các bạn không làm được điều đó. Vì thế các bạn đừng nghĩ đến việc chúng ta đang đào tạo "thừa thầy thiếu thợ", việc này hoàn toàn không đúng.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Theo Tiin.vn