Nghenghiep.edu.vn  xin trích đăng bài viết của PGS TS Nguyễn Đức Trí - Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục về vấn đề này: [caption id="attachment_171" align="aligncenter" width="645" class=" "]Hướng nghiệp, dạy nghề: Công việc của toàn xã hội Hướng nghiệp, dạy nghề: Công việc của toàn xã hội[/caption]

 Quan niệm về hướng nghiệp

Ở bình diện cá nhân hướng nghiệp là hệ thống các giải pháp về tâm lý học, xã hội học giáo dục học, y học, kinh tế - xã hội nhằm giúp con người chọn nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu xã hội, phù hợp với nguyện vọng và năng lực bản thân. Hướng nghiệp trong trường phổ thông ngoài việc giáo dục nghề, tuyên truyền nghề, tư vấn nghề thì hướng nghiệp phổ thông phải bao gồm cả tuyển chọn nghề sơ bộ. Vì cấu trúc hướng nghiệp trong trường phổ thông phải nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ hình thành nhân cách nghề nghiệp cho học sinh, trên cơ sở đó tư vấn giúp họ chọn nghề phù hợp. Theo đó, cấu trúc hướng nghiệp trong trường phổ thông gồm 4 thành phần: giáo dục và tuyên truyền nghề; chuẩn bị cho học sinh có ý thức chọn nghề; tiến hành tư vấn nghề và nghiên cứu học sinh. Điều đó khẳng định, hướng nghiệp đã vượt khỏi phạm vi nhà trường phổ thông, nó đã góp phần rất quan trọng tạo nguồn nhân lực cho xã hội phù hợp về cơ cấu và sử dụng có hiệu quả lao động, do đó hướng nghiệp đã là một vấn đề xã hội và được nhiều ngành quan tâm và tham gia.

Hướng nghiệp và cơ sở kinh tế - xã hội

Việc gắn đào tạo nghề nghiệp với sử dụng lao động nói chung ở nước ta đã và đang trở thành vấn đề cần được giải quyết nhằm góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đất nước đang chuyển dịch sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đào tạo nghề nghiệp phải tuân thủ các quy luật khách quan của thị trường, đặc biệt là thị trường lao động. Quy luật cung cầu trong thị trường lao động đòi hỏi các cơ sở đào tạo nghề nghiệp cung ứng kịp thời các loại hình, số lượng và chất lượng lao động kỹ thuật theo yêu cầu cho các ngành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Phía người lao động không những phải tinh thông nghề nghiệp mà còn phải có khả năng thích ứng và di chuyển nghề nhưng lại đòi hỏi người sử dụng phải trả công phù hợp, phải có chế độ đãi ngộ thoả đáng, nhất là lao động trình độ cao, nghệ nhân, chuyên gia... Mặt khác, bản chất của mối quan hệ giữa đào tạo và sử dụng lao động chính là sự gắn liền giữa đào tạo với "cầu lao động" trên thị trường lao động nhằm đáp ứng các yêu cầu về số lượng, chất lượng và cơ cấu lao động để người lao động có nhiều cơ hội tìm việc làm trên thị trường lao động sau khi được đào tạo. Đó là sự thay đổi căn bản nhất trong đào tạo nhân lực trong điều kiện của nền kinh tế thị trường với nền kinh tế truyền thống - nó có tác động lớn đến nội dung, phương thức hướng nghiệp trong giai đoạn mới.

Kiến nghị

Những năm 70 của thế kỷ trước, hướng nghiệp, đặc biệt là hướng nghiệp trong trường phổ thông đã được Đảng và Nhà nước quan tâm bằng nhiều nghị quyết về giáo dục. Tuy nhiên, hiện nay hướng nghiệp nói chung và hướng nghiệp trong trường phổ thông đã có nhiều bất cập. Để giải quyết vấn đề trên Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Giáo dục- Đào tạo cùng với bộ ngành khác cần đầu tư các nguồn lực để tổ chức thực hiện các nghiên cứu liên ngành một cách tổng thể về lĩnh vực khoa học hướng nghiệp. Trên cơ sở đó đổi mới toàn diện công tác giáo dục lao động - hướng nghiệp trong các nhà trường. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, tuyển chọn nghề, tư vấn và dịch vụ việc làm cho thanh niên, học sinh trong nhà trường và trong xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phải xây dựng và thực thi một chiến lược, quy hoạch và những kế hoạch cụ thể đào tạo một cách "bài bản" đội ngũ giáo viên làm công tác hướng nghiệp, nhất là trong trường phổ thông. Các cơ quan chức năng cũng cần xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách và cơ chế phù hợp nhằm thúc đẩy công tác giáo dục lao động hướng nghiệp trong trường phổ thông, xã hội hoá công tác hướng nghiệp, lôi cuốn sự tham gia của các lực lượng xã hội vào công tác hướng nghiệp.

Nghenghiep.edu.vn